Về cái lọc nhớt của xe Honda Winner và so sánh với... Yamaha Sirius

10/01/2024 Đăng bởi: Đỗ Trường Thanh

Bất cứ khi nào mình lên bài về khối động cơ của Honda Winner, y như rằng sẽ có cơ man ý kiến chê bai cái vụ… lọc nhớt.

Tại sao lại như thế? Vì Winner không có lọc nhớt rời, trong khi hai đối thủ của Winner là Exciter và Raider thì đã có từ lâu. Thậm chí các dòng xe phân khúc dưới như Sirius Fi, Viva Fi… cũng có. Nhiều anh em cho rằng, không có lọc rời thì không xứng đáng được gọi là một động cơ hiệu năng cao.

Hm… Giờ nên phân tích chủ đề này sao cho hợp lý nhỉ?!?

Thực ra, trước đây mình đã nói sơ qua nội dung này trong bài viết CÂU CHUYỆN VỀ “LỖI” Ổ CAM TRÊN XE WINNER (https://299.vn/cau-chuyen-ve-loi-o-cam-tren-xe-honda-winner). Giờ đào lại, đính chính chút xíu nhầm lẫn khi xưa, cũng như xoáy sâu thêm chủ đề để câu thêm ít like và share chắc cũng không có vấn đề gì. 🤗

OK mình sẽ bằng đầu bằng việc gạch đầu dòng một số tên gọi:

- LỌC THÔ: Hay còn gọi là lọc SƠ CẤP, nằm TRƯỚC BƠM, là cửa ngõ đầu tiên của một hệ thống bơm tuần hoàn. Lọc thô có nhiệm vụ ngăn cản các cặn bẩn có kích thước LỚN. Lọc thô thường được làm bằng lưới kim loại, có thể vệ sinh sử dụng lại.

- BƠM: Là bộ phận động lực chính, thường được dẫn động trực tiếp bởi trục khuỷu, qua hệ thống bánh răng hoặc dây đai, dây xích. Bơm có nhiệm vụ hút nhớt từ các-te và tạo áp suất đẩy tới tất cả các ngóc ngách trong đường dẫn của hệ thống bôi trơn.

- LỌC TINH: Hay còn gọi là lọc THỨ CẤP, nằm SAU BƠM. Lọc tinh có nhiệm vụ ngăn cản các cặn bẩn có kích thước NHỎ. Lọc tinh có nhiều dạng cấu tạo khác nhau.

Tiếp theo tới phần phân tích sơ đồ nguyên lý.

Trên đây là của Honda Winner. Bắt đầu từ góc trên bên phải. Nhớt từ các-te qua lọc thô (sơ cấp), qua bơm, rồi chia làm 2 hướng chính:

  • Hướng 1: Đi nuôi cam, cò, su-pap, bộ nồi, bộ số
  • Hướng 2: Qua lọc ly tâm tích hợp trong má dên, lọc này là lọc tinh (thứ cấp), sau đó đi bôi trơn cho ắc dên, lòng xy-lanh và ắc pis-ton

Trên bản vẽ, mình sử dụng màu đỏ để thể hiện đường nhớt không được lọc tinh, chính là hướng 1. Còn màu xanh dương thể hiện đường nhớt đã được lọc tinh, là hướng 2. Nhìn sơ có thể thấy, màu đỏ là phần chiếm đa số. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể nói rằng nhớt nuôi cam, cò, su-pap… hoàn toàn là nhớt bẩn. Bởi vì, sau khi qua lọc ly tâm, cặn bẩn nếu có sẽ được giữ lại tại đây, nhớt sạch sau lọc một phần đi theo hướng 2, một phần sẽ trở lại các-te để tiếp tục tuần hoàn. Có thể nói rằng, theo sơ đồ này, lọc ly tâm mặc dù không trực tiếp và tức thời, nhưng đã gián tiếp lọc nhớt cho toàn bộ động cơ.
Tại sao gọi là “lọc ly tâm”, vì loại lọc này ứng dụng “lực ly tâm” để tách cặn bẩn ra khỏi nhớt.

Nói sâu về vật lý một chút, thì trong một hệ quy chiếu chuyển động quay tròn, xuất hiện một lực đẩy các vật thể mang khối lượng chuyển động ra xa tâm quay, người ta gọi đó là lực ly tâm.
Lực ly tâm được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày, bên trong chiếc máy giặt chẳng hạn. Khi bạn bỏ quần áo ướt vào máy và chọn chế độ vắt, lồng giặt sẽ quay rất nhanh, nước bị đẩy văng ra xung quanh, chảy ra ống thoát, quần áo thì ở lại. Lọc nhớt ly tâm nguyên lý hoạt động cũng y như vậy, lọc quay tốc độ cao vảy nhớt ra xung quanh rồi chảy về các-te, còn cặn bẩn thì được giữ lại.
Có nhiều cách để tạo chuyển động quay tròn cho dòng nhớt, trong động cơ thì người ta lợi dụng luôn chuyển động quay của trục khuỷu. Trên một số dòng xe máy nhỏ như Cub, Dream, Wave… thì lọc ly tâm được tích hợp trên bộ nồi trước, còn trên Winner thì lọc ly tâm được tích hợp trong má dên.
Ưu điểm của loại lọc ly tâm tích hợp này là cấu tạo đơn giản, không yêu cầu bảo trì bảo dưỡng thường xuyên – các bạn không cần quan tâm tới nó, không cần biết nó nằm ở đâu, và đương nhiên cũng chẳng bao giờ phải tốn tiền để sửa chữa thay thế nó. Ngoài ra, lọc ly tâm cũng không làm tổn hao công suất của động cơ quá nhiều, và đặc biệt là khả năng lọc sạch rất cao, có nghĩa các hạt có kích thước rất nhỏ nó vẫn có khả năng chặn được.

Quay lại sơ đồ nguyên lý một chút, vậy tại sao Honda không thiết kế để nhớt chạy qua lọc ly tâm rồi hãy chạy đến tất cả các bộ phận khác, như vậy chẳng phải sẽ hoàn hảo hơn sao?

Đúng là lọc tinh trước khi bôi trơn cam, cò, su-pap, nồi, số thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhớt sau khi qua lọc ly tâm sẽ bị mất áp suất, không thể tiếp tục bơm qua các đường dẫn, mà chỉ có thể chảy thụ động về lại các-te. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của hệ thống này.

Tiếp theo là sơ đồ nguyên lý của Yamaha Exciter. Các xe khác có dùng lọc rời như Sirius, Raider… thì cũng đều có nguyên lý hoạt động tương tự.

Bắt đầu từ góc dưới bên trái. Nhớt từ các-te, qua lọc thô, qua bơm, qua lọc tinh, rồi mới toả đi bôi trơn cho dên, cam cò su-pap, bộ nồi, bộ số. Nhìn phần màu xanh dương trong hình có thể nhận ra, nhớt được bơm tới hầu hết tất cả các bộ phận trong động cơ đều đã được lọc tinh. Điều này có được là vì không giống lọc ly tâm, nhớt qua lọc tinh mặc dù cũng bị giảm áp suất, nhưng vẫn còn đủ để được bơm tới mọi ngóc ngách trong động cơ.
Lọc tinh được sử dụng ở đây là dạng lọc màng. Lọc zin của các hãng xe thì chủ yếu dùng màng giấy, còn lọc hiệu năng cao như của K&N chẳng hạn, thì có thể làm bằng vải.

Nguyên lý làm việc của lọc màng thì khá đơn giản. Nhớt đi qua, cặn bẩn ở lại. Động lực giúp đẩy dòng nhớt qua lọc chính là lực đẩy của bơm, mà bơm thì được dẫn bởi trục khuỷu, nên so với lọc ly tâm thì lọc giấy sẽ làm tổn hao công suất động cơ nhiều hơn. Mặt khác, hiệu quả lọc của lọc giấy sẽ phụ thuộc vào diện tích hiệu dụng của màng lọc. Càng sử dụng lâu, cặn bẩn bám nhiều, thì đương nhiên diện tích hiệu dụng cũng sẽ giảm xuống, đồng nghĩa với việc hiệu quả lọc bị giảm, lượng nhớt qua lọc ít đi, áp lực tại bơm tăng lên. Điều này dẫn tới một hệ quả, cũng không biết là ưu hay nhược điểm: Đó là lọc giấy cần được thay thế định kỳ.

  • Nếu nghĩ theo hướng tiêu cực, thì việc động chạm vào động cơ một cách quá định kỳ là việc không tốt, ba bữa lại phải tốn tiền cho cái lọc thật sự quá phiền phức và tốn kém. Nhất là nếu không có tí chút hiểu biết về động cơ, cũng như đồ nghề chuyên dụng thì sẽ không thể tự làm được. 🧐
  • Còn nếu nghĩ theo hướng tích cực, thì việc bố trí lọc ở vị trí dễ thay thế sẽ giúp việc loại bỏ các cặn bẩn ra khỏi động cơ trở nên dễ dàng, tạo tâm lý yên chí 100% cho người sử dụng, thật là một phát minh vĩ đại! 👍

Thế các bạn có thắc mắc, nếu không được thay thế định kỳ, để quá lâu dẫn tới màng lọc bị nghẹt hết thì điều gì sẽ xảy ra không? Động cơ có bị thiếu nhớt rồi lúp luôn không?

Không đến nỗi như vậy đâu, vì các kỹ sư đã tính cả rồi. Trên lọc nhớt luôn có một đường dự phòng, có cấu tạo tương tự một cái van xả áp, gồm một lò xo nén và một nắp bịt kín. Trường hợp lọc bị nghẹt hoàn toàn, áp suất đường nhớt tăng cao, nhớt sẽ thắng lực nén của lò xo để mở nắp bịt ra, khai thông đường dự phòng cho nhớt tiếp tục có thể được bơm tới các vị trí cần bôi trơn của động cơ. Lúc này gần như nhớt sẽ không được lọc tinh nữa, nhưng mà méo mó có hơn không, miễn không lúp là được.
Lúc trước khi viết bài CÂU CHUYỆN VỀ “LỖI” Ổ CAM TRÊN XE WINNER, mình có nhầm lẫn một chút, cho rằng chỉ có Raider có đường nhớt dự phòng này. Nhưng mình đã nhầm, nay xin đính chính lại một chút, đó là tất cả các xe sử dụng lọc giấy đều có.

Dông dài nãy giờ, vậy việc Winner không có lọc nhớt rời có phải là một vấn đề lớn không?
Câu trả lời của cá nhân mình là KHÔNG.
Mình không phủ nhận lọc giấy rời là rất hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xe hiện nay, khi mà việc mua bán các loại phụ tùng thay thế đã trở nên vô cùng dễ dàng.

Nhưng, lại càng không thể phủ nhận, lọc ly tâm trên khối động cơ K56 hiện tại vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ của nó. Qua hơn 6 năm vận hành 299, được anh em tin tưởng gửi gắm cho một số lượng nho nhỏ Winner để chăm sóc, bảo dưỡng, bảo trì, thì mình chưa thấy trường hợp nào gặp vấn đề với lọc ly tâm cả.

Các vấn đề về hệ thống bôi trơn của Winner, như vụ ì xèo hồi 2016, khi có ý kiến cho rằng bơm nhớt Winner yếu, rồi người người đi thay bơm nhớt, nhà nhà đi thay bơm nhớt, đẩy doanh số bơm nhớt Uma lên chót vót; hay như vụ Winner bị thiếu nhớt lúp đầu hàng loạt… Tất cả các xì-căng-đan đó đều gây ra bởi… cái lọc thô.

Lọc thô của Winner là một tấm lưới thép có diện tích khoảng 30x35mm. Diện tích này là quá nhỏ so với một khối động cơ DOHC 150cc.
Mình đã gặp không ít trường hợp, lọc này bị cặn bẩn bít hết, làm nghẹt bơm, gây thiếu nhớt làm lúp toàn bộ hệ thống phân phối khí trên đầu bò. Đặc biệt là trên đời Winner X đầu tiên (Winner V2), không biết mấy bố Indo ráp máy kiểu gì mà bên trong rất nhiều keo ron thừa, cặn vải, mảnh ron giấy… Xe zin 100%, chỉ xài nhớt hãng, cũng lúp banh đầu, và hãng thì không bảo hành.
Còn trường hợp khác nữa mà chính mình đã phải trả giá. Đó là chẻ bụng làm máy, lên trái, ro-dai các kiểu và rồi… lúp luôn trên bàn dyno. Mở ra thì lọc nhớt toàn lông chó lông mèo. Phân tích lại mới thấy, mặc dù mình rửa kỹ lau kỹ, nhưng lông động vật, hoặc lông vải bay trong không khí rồi bám lên các chi tiết máy là điều rất khó tránh khỏi.

Từ đó về sau, các xe chẻ bụng làm máy bên mình đều được khuyến cáo quay lại sau 1000km đầu tiên để kiểm tra vệ sinh lọc nhớt. Dịch vụ này đã được tính phí kèm theo gói bảo dưỡng trước đó, không phát sinh thêm. Ngoài ra, mình cũng khuyến cáo các anh em đi Winner V2 làm tương tự, nhưng là vô hãng làm để được giữ nguyên bảo hành. Tới V3 thì có vẻ đã đỡ hơn. Nhiều khi ông Honda âm thầm xử lý nội bộ rồi không biết chừng.
À quên điều này nữa, lọc Winner đã nhỏ, đã dễ bẩn lại còn thiết kế ở một vị trí vô cùng ngu ngục. Các xe như Dream, Wave… cũng xài lọc lưới gắn chết bên trong bụng máy, nhưng ngay dưới lọc là con ốc xả nhớt, nên khi xả nhớt cũng ít nhiều rửa trôi được ít cặn bẩn. Còn lọc Winner thì không như vậy, lọc một nơi, ốc xả một nẻo. Thành ra, muốn vệ sinh lọc nhớt chỉ có một cách duy nhất là phải mở nắp nồi.

Còn lọc thô của Exciter thì sao?

Lọc thô của Exciter cũng làm bằng lưới kim loại, nhưng có dạng hình quả nhót, và được tích hợp luôn vô cụm ốc xả nhớt. Như vậy, mỗi lần thay nhớt đều có thể lấy ra ngoài để vệ sinh sạch sẽ. Một thiết kế quá đỗi tuyệt vời đến từ đội Yamaha.

Túm cái váy lại, bài viết này mình xin tổng kết là mình xin phép không tổng kết gì cả, chỉ đơn giản là cung cấp thông tin thôi.
Các bạn đương nhiên có quyền tuỳ nghi yêu ghét bất cứ thứ gì, bất cứ dòng xe nào mà các bạn muốn. Nhưng nếu muốn khen chê so sánh thì trước tiên phải hiểu đúng cái đã.

Nhắc lại một chút về quan điểm cá nhân, thì mình cho rằng Winner lên lọc rời là không quá cần thiết, đương nhiên có mà không ảnh hưởng đến các thứ khác thì vẫn tốt. Nếu có cần cải tiến ngay, thì Honda hãy cải tiến cái lọc thô. Chứ như hiện tại thì chỉ xứng đáng 5đ về chỗ quỳ.
Còn hệ thống bôi trơn cũng như lọc của Exciter thì mình xin được phép cho 10đ không nhưng.

Xin hết.