-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Các cải tiến kỹ thuật trên Winner 2024 dưới góc nhìn... kỹ thuật
04/01/2024 Đăng bởi: Đỗ Trường Thanh
Winner 2024 đã rần rần ra mắt cả tháng trời, nhưng vì nay mới chính xác là năm 2024, nên mình mới có hứng tìm hiểu. 🤣
Một phiên bản mới thì đương nhiên có nhiều cải tiến cả trong lẫn ngoài, nhưng bài viết này xin phép được bỏ qua các thay đổi mang tính face lift bên ngoài, chỉ tập trung phân tích… À không đúng, chỉ tập trung chia sẻ một vài quan điểm cá nhân về các cải tiến về mặt kỹ thuật.
Trong khoảng thời gian một tháng vừa qua kể từ khi xe ra mắt, thì cũng có khá nhiều bạn inbox cho 299 hỏi rằng liệu các cải tiến trên phiên bản 2024 là có đáng tiền không, có áp dụng được cho các đời trước không… Thì bài viết này cũng là câu trả lời tổng hợp luôn nhé.
Bắt đầu với bài quảng cáo trên website của Honda Việt Nam, các cải tiến kỹ thuật trên Winner 2024 được Honda liệt kê như sau:
- Bộ ly hợp chống trượt hai chiều mới
- Công nghệ giảm thiểu rung lắc và giảm tiếng ồn vượt trội
- Công nghệ giảm thiểu ma sát tối ưu
- Cuộn dây đánh lửa cải tiến mới
1. Bộ ly hợp chống trượt hai chiều mới
Cái này thì nói và viết cũng khá nhiều rồi, các bạn muốn tìm hiểu lại thì có thể lục lại các bài viết và video cũ của 299.
Cá nhân mình thì không gọi cụm chi tiết này là “bộ ly hợp chống trượt hai chiều”, mà hay gọi bằng cái tên “bộ nồi chống trượt & trợ lực” – dịch từ nguyên văn tiếng Anh “Assist & Slipper Clutch”.
Ngắn gọn thì so với nồi trên xe đời trước, thì Winner 2024 sẽ bóp côn nhẹ hơn, sang số nhẹ hơn, thốc ga bắt hơn, và quan trọng nhất là thòng ga dồn số không bị khoá lết trượt bánh sau.
Bộ nồi này hoàn toàn có thể plug & play lên các đời Winner cũ, từ V1 đến V3. Có điều hiện tại giá còn hơi cao.
2. Công nghệ giảm thiểu rung lắc và giảm tiếng ồn vượt trội
Cái này mới thực sự là hay ho và có nhiều điều để nói.
2.1. Đối trọng
Không hiểu tại sao Honda Việt Nam lại viết là “đối trọng đồng trục”, vì rõ ràng không hề có chi tiết nào đồng trục với chi tiết nào trong cụm này. Hai trục làm việc ở đây là trục dên và trục tạ, là hoàn toàn độc lập với nhau, cách xa nhau, và được dẫn động với nhau bằng bộ truyền bánh răng. Có lẽ đội ngũ dịch thuật của Honda Việt Nam có chút nhầm lẫn nên đã dùng sai thuật ngữ kỹ thuật, hoặc cũng có thể là mình hiểu chưa đúng, chỗ này bạn nào biết rõ vui lòng chỉ bảo giúp.
Đối trọng, hay còn gọi là tạ phụ, không phải là một chi tiết mới, mà đã xuất hiện từ Winner V1. Tạ phụ làm bằng gang đúc, hai đầu gối lên hai bạc đạn, và bạc đạn tựa trực tiếp lên thành block máy bằng nhôm.
Đặc trưng làm việc của tạ phụ là mang lực ly tâm đảo chiều liên tục, vì vậy áp lực giữa bạc đạn (bằng thép) lên thành nhôm (vốn là một vật liệu mềm) là rất lớn. Không ít xe sau một thời gian sử dụng bị lỏng lưng bạc đạn tạ phụ, dẫn tới tiếng kêu lạch cách khi máy nổ.
Lên đời 2024, Honda đã cải tiến bằng cách thêm vào một lớp bạc lót tại vị trí lắp bạc đạn – tương tự vị trí lắp bạc đạn dên, vật liệu thì mình đoán là gang. Gang thì đương nhiên là cứng nên sẽ bền hơn nhôm, xài lâu không bị rơ, lỏng.
Về cấu trúc trục cân bằng, có được thêm bớt hay gì không thì chưa biết. Cơ mà mình cũng thật sự mong Honda có chút cả tiến gì đó cho chi tiết này, bởi vì trên các đời trước, tạ phụ làm bằng gang đúc như đã nói ở trên, nên bề mặt hoàn thiện khá xấu xí, tạo điều kiện hình thành các vết nứt tế vi, giảm độ bền mỏi. Thực tế đã có khá nhiều xe bị gãy tạ phụ, quăng quật làm cục máy bể tè le hột me.
2.2. Tăng độ cứng của bạc lót để giữ ổ bi
Ổ bi đang đề cập ở đây chính là bạc đạn dên. Sẵn mình cũng chia sẻ luôn, bạc đạn dên của Winner và một vài dòng xe khác của Honda có thiết kế khá khác biệt so với các hãng khác.
Bên phải thì sử dụng bạc đạn tiêu chuẩn, vòng ngoài lắp chặt với block máy.
Còn bên trái thì lại sử dụng bạc đạn phi tiêu chuẩn, có đường kính vòng ngoài âm 0.07mm, lắp lỏng với block máy.
Để khử độ rơ lắp ghép, Honda sử dụng một cơ cấu hình nêm kết hợp với lò xo nén.
Ngoài chuyện thao tác ráp máy đơn giản, dên quay nhẹ do loại trừ được sai số độ đồng trục của hai bên block máy, thì mình vẫn chưa tìm ra ưu điểm nào khác của thiết kế này.
Về nhược điểm thì hiển nhiên thấy rõ, trên tổng chu vi khoảng 226mm, thì chiều dài đoạn tiếp xúc của nêm lên vòng ngoài bạc đạn chưa tới 10mm. Không nhiều thì ít, sẽ xảy ra hiện tượng bạc đạn nhảy cà tưng cà tưng trong block máy khi động cơ hoạt động.
Việc tăng độ cứng vòng bạc lót sẽ giúp giảm thiểu hao mòn tại vị trí này, tăng tuổi thọ cho động cơ.
3. Công nghệ giảm thiểu ma sát tối ưu
Ui cái trò này thì Honda đã chơi từ hồi ra mắt con Future Neo năm 2006 rồi, có phải gì quá mới mẻ đâu mà các bố truyền thông bẩn cứ nhảy dựng lên, lu loa làm con-ten như cái gì đó đột biến lắm vậy.
Cụ thể công nghệ thế nào thì cứ nhìn hình là hiểu. Làm xy-lanh lệch một góc so với phương tạo bởi đường thẳng nối 3 điểm: tâm dên, ắc lớn, ắc nhỏ khi pis-ton lên ĐCT. Từ đó giảm lực ép thành, giảm hiện tượng lắc đuôi, kêu đuôi pis-ton…
4. Cuộn dây đánh lửa cải tiến mới
Cuộn dây đánh lửa nghe hoành tráng vãi, thật ra nó là cái mô-bin sườn ấy mà. Mô-bin 2024 cải tiến gì bên trong thì mình chưa biết, nhìn sơ qua hình thì thấy y chang của Sonic và GTR. Cơ mà suốt mấy năm làm nghề, không thấy mô-bin Winner có vấn đề gì để phải nâng cấp hết. Xe zin, xe độ PXL, lên trái, lên dên… đều cân được tất.
Thôi ngắn gọn vậy thôi nhé, nói chung là phiên bản 2024 này Honda cải tiến kỹ thuật rất đậm chất kỹ thuật, rất đáng tiền.
Happy new year!