Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất về bộ nồi

03/08/2021 Đăng bởi: Đỗ Trường Thanh

Hết ốc tăng côn – có phải là biểu hiện của việc lá bố đã bị mòn?

Câu trả lời là KHÔNG, sự thật hoàn toàn ngược lại.

Nhìn vào hình minh họa cấu tạo của một bộ nồi côn tay:

MÀU XANH LÁ là phần đế nhôm cố định.

MÀU VÀNG là phần đế nhôm di động.

Khi làm việc, bị các lò xo ép chặt thì khoảng cách giữa đế xanh lá và đế vàng đúng bằng tổng độ dày của tất cả các lá bố và lá sắt cộng lại.

Khi bạn bóp côn – đồng nghĩa với kéo dây côn lên. Dây côn kéo càng côn. Càng côn đẩy TI MÀU ĐỎ. Ti màu đỏ đẩy TI MÀU XANH DƯƠNG. Ti màu xanh dương đẩy đế màu vàng, tách các lá bố và lá sắt ra.

Giả sử các lá bố bị mòn, đồng nghĩa khoảng cách giữa đế vàng và đế xanh lá cây sẽ giảm. Vì đế xanh lá cây là cố định, nên có thể tưởng tượng lúc này mọi chuyển động sẽ theo chiều ngược lại.

Đế vàng dịch chuyển theo hướng lại gần ti xanh dương. Ti xanh dương dịch lại gần ti đỏ. Ti đỏ đẩy càng côn. Càng côn kéo dây côn xuống. Dây côn bị kéo xuống thì đồng nghĩa khoảng tăng chỉnh trên ốc sẽ càng tăng thêm.

Trường hợp này thấy rõ ràng nhất trên các xe bị chà bố nồi. Ngay sau khi bố nồi bị chà, dây côn sẽ căng cứng, thả hết côn xe không chạy, buộc phải xả ốc tăng chỉnh xuống hết cỡ. Không biết nãy giờ các bạn có hình dung ra được không, nhưng qua một ví dụ như vậy thì thấy rõ ràng là lá bố càng mòn thì càng phải xả dây côn ra, mà càng xả dây thì ốc tăng chỉnh còn càng nhiều.

Vậy lý do gì khiến ốc tăng côn bị hết sau một thời gian sử dụng?

Đối với Exciter 135 5S và Exciter 150, do một vài đặc trưng trong cấu tạo bộ nồi nên có thể kê ra 2 nguyên nhân chính là:

  1. Càng côn bị mòn dập
  2. Ti côn bị lún

Tùy tình trạng xe mà có thể khắc phục theo các trình tự sau:

  1. Tăng trên cùm côn
  2. Thay dây côn khác có đoạn ốc chỉnh dài hơn dây zin. Dây 2PV của MX-King chẳng hạn, có thể thay thế cho dây 2ND của Ex150
  3.  Mở nắp nồi chỉnh lại ốc ruồi côn
  4. Thay thế càng côn và ti côn mới

Đối với Winner/Sonic, thì nguyên nhân chính gây ra tình trạng hết ốc chỉnh côn lại thường là do sử dụng lá bố hoặc lá sắt quá dày. Lá bố zin Winner dày khoảng 2.4mm, lá sắt khoảng 1.4mm. Để ăn gian lực ép lò xo, có một số lá bố độ được làm dày hơn zin khoảng 0.1-0.2mm.

Giả sử khi dùng bố dày hơn zin 0.2mm chẳng hạn, 5 lá x 0.2 = 1mm. Mà theo kinh nghiệm của mình, cứ 1mm trong bộ nồi thì sẽ phải rút dây côn lên 10mm.

Sonic thì vớt vát tăng trên cùm côn được, còn Winner thì buộc phải can thiệp bên trong bộ nồi. Cái này thì tùy mỗi thợ thầy sẽ có các cách khác nhau. Cá nhân mình thì thường canh thêm long đền. Canh ở vị trí nào, long đền dày bao nhiêu thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Mình sẽ trình bày trong một bài riêng nếu các bạn có hứng thú tìm hiểu.

Sẵn đây nói luôn, cái dụ thay đổi vị trí hai con tán lốc-kê dây côn của Winner/Sonic thành một con trên một con dưới chẳng có tác dụng gì cả. Chỉ tổ khóa cứng dây côn làm mất khả năng tự lựa, khiến lõi dây cọ sát với vỏ sẽ mau mòn hơn; mỗi lần tăng chỉnh thì khó khăn hơn; nhìn thì nghiệp dư, xấu xí (theo quan điểm thẩm mỹ công nghiệp của cá nhân mình). Tuy nhiên, con trên con dưới cũng chẳng làm hại bộ nồi nên các bạn thích thì... O.K. Fine!