-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Tranh cãi quanh vấn đề "Lỗi TPS trên xe Winner"
14/07/2021 Đăng bởi: Đỗ Trường Thanh
Đây sẽ là một bài viết rất dài, và có lẽ sẽ gây rất nhiều tranh cãi. Vì đây là cuộc đấu khẩu giữa một fanpage 8K followers với một Youtuber hơn 228K subscribers. Và rất có thể, sau status này, rất nhiều trong số 8K, thậm chí toàn bộ 8K followers sẽ quay lưng lại với 299. Nhưng, dù kết cục có thế nào, bài viết này vẫn phải được viết ra. Vì một nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng nửa sự thật không phải là sự thật.
Anh em chơi xe Winner, Sonic ít nhiều chắc cũng đã nghe nói về lỗi TPS trên dòng xe này.
TPS là viết tắt của Throttle Position Sensor, nghĩa là Cảm biến vị trí bướm ga, là một thành phần quan trọng trên một chiếc xe phun xăng điện tử.
Trên xe Winner, tương tự phần lớn những chiếc xe Fi khác, TPS không nằm riêng lẻ mà được bố trí thành một cụm cùng với IAT (Intake Air Temperature – Cảm biến nhiệt độ khí nạp) và MAP (Manifold Absolute Pressure – Cảm biến áp suất khí nạp). Cụm thiết bị này người ta hay gọi là Bộ ba cảm biến, hoặc đơn giản chỉ gọi tắt là TPS.
Status này cũng chỉ đề cập đến TPS thôi, nên IAT và MAP coi như bỏ qua.
Trên xe, TPS được bố trí trên họng xăng. Kết nối vật lý với trục xoay của bướm ga thông qua một khớp nối. Khi vặn ống ga, bướm ga đóng mở. TPS có nhiệm vụ đọc góc mở này, gửi về cho ECU biết để điều chỉnh xăng lửa cho phù hợp.
TPS bản chất nó đơn giản là một con cảm biến đo góc quay. Cảm biến thì có nhiều dạng. Trên xe Honda thì thường dùng biến trở. Trên xe Yamaha, Suzuki thì dùng cảm biến từ (Hall Sensor).
Biến trở là gì? Là một linh kiện bán dẫn có khả năng thay đổi điện trở, thay đổi khả năng dẫn điện. Cụ thể trên TPS là thay đổi khả năng dẫn điện tùy theo góc xoay. Nên gọi là biến trở xoay.
Khi hệ thống Fi hoạt động, ECU cấp xuống TPS một nguồn nuôi có điện áp 4.75-5.25V. Dòng điện này sau khi đi qua TPS, theo một đường dây khác, sẽ truyền ngược về đưa tín hiệu cho ECU. Vì là một biến trở xoay, nên tùy thuộc vào góc mở của bướm ga, điện áp từ TPS truyền về sẽ thay đổi. Cụ thể:
- Khi bướm ga đóng hoàn toàn, góc mở bằng 0 độ, điện áp truyền về nằm trong khoảng 0,47-0,51V.
- Khi bướm ga mở hoàn toàn, góc mở bằng khoảng 73-74 độ, điện áp truyền về khoảng 4,3-4,4V.
- Ở đoạn giữa thì điện áp tăng tuyến tính theo góc mở.
ECU sẽ đọc điện áp này để biết bướm ga đang mở bao nhiêu, từ đó có căn cứ điều tiết xăng lửa cho hợp lý.
Trên xe Winner, Sonic, TPS rất hay dính một lỗi mà mình thường gọi là "đứt đuôi TPS". Cụ thể lỗi này như sau:
- Khi bướm ga đóng hoàn toàn, điện áp truyền về chuẩn 0,47-0,51V.
- Khi vặn ga tăng dần, bướm ga mở dần từ 0 tới khoảng 50-60 độ, điện áp tăng tuyến tính bình thường.
- Khi vặn hết ga, bướm ga mở hết cỡ, điện áp đột ngột rớt xuống. Có khi rớt về 0, có khi rớt về 2-3V. Lúc này ECU hiểu sai, cắt bớt lượng xăng phun, giảm góc đánh lửa sớm, động cơ đương nhiên bị hụp, rớt tua, đờn máy, xe không vọt lên được.
Cách đây hơn hai năm, hồi còn làm ở Phụ Tùng Hàng Hiệu, mình đã làm một video rất rõ ràng về vấn đề này. Các bạn có thể xem tham khảo thêm, link mình để ở cuối bài.
Thời điểm quay video đó, vì chưa có máy đọc lỗi xe máy chuyên dụng, nên mình sử dụng con ECU Aracer Mini 5 làm công cụ trình bày. Aracer Mini 5 là một con ECU độ, có khả năng kết nối với App trên Smartphone thông qua Bluetooth, để lập trình cũng như theo dõi các thông số hoạt động của xe. Mục đích dùng con ECU này là để có công cụ đọc giá trị TPS trực quan, để người xem dễ hình dung và nắm bắt vấn đề hơn.
Tất cả các loại ECU lập trình khác như Apitech, Redleo, BRT... đều có khả năng đọc TPS tương tự, nhưng phải kết nối với phần mềm trên máy tính. Chỉ có Aracer có thể kết nối được với iPhone, nên mình chọn Aracer cho nhanh cho tiện. Đơn giản như vậy thôi.
Xã hội này ngọa hổ tàng long, anh hùng ẩn thân, cây cao bóng cả vô số kể. Bản thân mình là một tay ngang, chưa từng được đào tạo chính quy về ngành cơ khí động lực. Vì vậy chưa một lần nào dám vỗ ngực xưng tên tự cho mình giỏi giang bao giờ. Những điều mình viết hay nói ra đều nhằm mục đích đóng góp, chia sẻ.
Những điều mình sắp trình bày sẽ động chạm trực tiếp đến idol của rất nhiều bạn. Nếu các bạn có quan điểm trái chiều, thì hãy dùng kiến thức và hiểu biết để phản biện. Mọi góp ý, bình luận, tranh luận, thậm chí tranh cãi mang tính xây dựng, có tính quân tử, logic và khoa học, mình sẽ luôn nhiệt tình và thật tâm đón nhận.
Quay lại vấn đề.
Lỗi TPS trên xe Winner không phải là một vấn đề mới. Nó rành rành ra đó, được chứng minh bằng đo đạc kỹ thuật đàng hoàng như mình đã trình bày bên trên. Bản thân mình không phải là người duy nhất, mà rất nhiều anh em thợ máy, kỹ sư động lực, những HCV, HCB các cuộc thi Thợ máy giỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương... cũng đều ghi nhận lỗi này. Thậm chí có nguồn tin cho biết Honda Indonesia cũng đã công khai công nhận.
TPS lỗi đứt đuôi, muốn khắc phục thì chỉ có cách thay mới. Còn chuyện mắc hay rẻ là vấn đề giá cả thị trường. Tiền hàng + tiền công, khách muốn hết bệnh thì phải chịu chi chứ làm gì khác được?
Như bao vấn đề khác, quan điểm trái chiều nhau là không thể tránh khỏi. Dựa trên những nền tảng khoa học bài bản để phản biện nhau, giúp nhau nhìn ra những cái sai, để cùng nhau đi lên chính là động lực phát triển của xã hội. Còn việc dựa vào những quan điểm cá nhân, những suy luận phi logic, phi kỹ thuật, phi khoa học rồi kết luận phiến diện, chụp mũ, bôi xấu công việc của người khác là chuyện không thể chấp nhận được.
Youtuber Motorcycles TV đang làm cái điều không thể chấp nhận như vậy.
Mình cũng sẽ để link Youtube ở cuối bài để các bạn tham khảo. Clip của anh ta khá dài, mình xin đại khái lại vài đại ý như sau:
- Không công nhận lỗi đứt đuôi TPS, cho rằng hiện tượng vặn hết ga điện áp rớt đột ngột là tính năng hãm tua của nhà sản xuất.
- Nhập nhằng giữa lỗi garanti cao và lỗi đứt đuôi TPS.
- Không hiểu việc dùng ECU độ chỉ là công cụ để trình bày lỗi của TPS một cách trực quan. Cho rằng ECU độ phải xài với TPS độ. Cho rằng việc dùng ECU độ để kết luận TPS zin bị lỗi là lừa đảo khách hàng.
- Cho rằng việc anh em thợ thay TPS của khách là hành động bùa chú, thuốc, lừa đảo.
Sau đây là các phản biện của mình:
- TPS là một con cảm biến, nhiệm vụ của nó là lấy tín hiệu, cảm biến thì không có chức năng điều khiển. Việc hãm tua là do ECU điều khiển, và việc hãm tua không phụ thuộc góc mở của bướm ga. Đâu phải cứ vặn hết ga tua máy mới tăng maximum? Động cơ không tải, chỉ cần vặn 50% ống ga là tua đã vọt lên 10500RPM và bị hãm rồi. Lúc đó « vai trò hãm tua » của TPS thể hiện ở đâu? Xe mới tinh dắt trong hãng ra cũng hãm tua, vặn hết ga TPS 4,4V. Không lẽ xe mới thì TPS chưa được update firmware có tính năng hãm tua?
- Garanti cao do TPS bị lệch giá trị ban đầu thì có thể sửa bằng cách reset. Còn TPS bị đứt đuôi muốn sửa chỉ có cách thay mới. Hai vấn đề này hoàn toàn không liên quan tới nhau.
- TPS chỉ là một con cảm biến, không có khái niệm TPS độ. Chỉ có TPS zin của Keihin sản xuất và TPS đến từ các thương hiệu thứ ba: SCK, STB, Uma... Khác thương hiệu, tính năng y như nhau thì có gì gọi là độ? Xe độ hầm bà lằng vẫn đi TPS zin ầm ầm. Và TPS dính lỗi rồi thì xài ECU zin hay độ gì thì cũng bị hụp như nhau hết.
- TPS cũ vặn hết ga là hụp, chạy không nổi. Thay TPS mới, vặn ga là vọt. Vậy thuốc là thuốc chỗ nào? Lừa là lừa chỗ nào? Không chấp nhận được là không chấp nhận được chỗ nào?
Dẫn nhập dài dòng, nhưng phản biện chỉ 4 ý ngắn gọn vậy thôi. Để coi con số 8K followers của 299 sẽ thay đổi thế nào.
Lỗi TPS trên xe Honda Winner, Sonic - Kiểm tra, xác định lỗi và hướng khắc phục: https://youtu.be/frDiBfHVSXU (Không biết vì lý do nào đó, Phụ Tùng Hàng Hiệu đã xóa hoặc ẩn clip này)
Video 182: Bóc Phốt Thợ Bùa Honda Winner Nói TP Loạn Mà Nó Vẫn Sống | Motorcycles TV: https://youtu.be/FHac2-H-To8
Theo dõi status này trên Facebook: https://www.facebook.com/299kmh.vn/posts/565530117684897